Cải thiện và phòng tránh tật khúc xạ ở trẻ em

Theo điều tra của Bệnh viện Mắt trung ương cho thấy, tỷ lệ tật khúc xạ như cận thị, loạn thị, viễn thị... ngày càng gia tăng, từ 2,5% trong năm 2002 lên 25%-30% năm 2007, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi đến trường và tập trung ở các đô thị. Tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 40% học sinh phổ thông mắc các tật khúc xạ...

Tật khúc xạ ảnh hưởng đến 2,5 tỷ người (khoảng 20% dân số) trên toàn thế giới. Ở nước ta tỷ lệ mắc tật khúc xạ ngày càng tăng ở trẻ với khoảng 3 triệu trẻ em trong cả nước cần đeo kính. Đặc biệt, học sinh thành thị mắc tật khúc xạ có tỷ lệ rất cao, chiếm tới 40% - 50% số học sinh, trong khi tỷ lệ học sinh ở nông thôn bị tật khúc xạ chỉ chiếm khoảng 15%. Không có gì ngạc nhiên khi con số thống kê cho biết 79% các em bị tật khúc xạ là cận thị. Nhẩm tính ra tiền kính, tiền thuốc, tiền khám bệnh mỗi cháu cũng gần đến tiền triệu.

 

Chưa kể những bất tiện cho trẻ đeo kính, nguy cơ tiềm tàng về tai nạn do mắt kính, gọng kính và các biến chứng khác. Tính phổ biến của tật khúc xạ, gánh nặng chi phí, nguyên nhân phức tạp, hiệu quả điều trị không cao... đã làm hệ thống y tế và cả xã hội bối rối mà chưa biết tháo gỡ từ đâu. Để kiểm soát được tật khúc xạ, điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận đúng đắn về trục bệnh lý: tật khúc xạ- lác- nhược thị, mối quan hệ nhân quả và những việc cần làm ngay vì lợi ích của trẻ.

Phát hiện sớm bất thường chức năng nhìn của trẻ

Nhìn chung mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt... Trong lớp học, trẻ không nhìn rõ trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và có phương hướng điều trị thích hợp.

Chức năng của mắt là giúp cho chúng ta nhìn rõ được những vật ở xung quanh. Mắt bình thường (hay còn gọi là mắt chính thị, mắt không có tật khúc xạ) là mắt có hình ảnh của vật hội tụ đúng trên võng mạc và chỉ khi đó thì vật mới được nhìn rõ. Khi mắt không có khả năng hội tụ một cách chính xác những tia sáng đi từ ngoài vào mắt đúng trên võng mạc thì gọi là mắt có tật khúc xạ. Đây là bệnh rất hay gặp ở trẻ em, cần nhận biết và có biện pháp khắc phục sớm.

Cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn, khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ nhờ vào chức năng điều tiết của mắt trừ khi cận thị quá nặng. Cận thị có thể là bẩm sinh hay mắc phải. Điều chỉnh mắt cận thị là đeo kính phân kỳ để giúp cho ảnh của vật rơi đúng vào võng mạc và khi đó vật sẽ được nhìn rõ.

Viễn thị ngược lại với mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật rơi vào phía sau của võng mạc. Người bị viễn thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần. Điều chỉnh mắt viễn thị bằng đeo kính hội tụ để kéo ảnh của vật về đúng trên võng mạc. Cần lưu ý là mắt viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện và điều trị sớm.

Loạn thị là mắt có các kinh tuyến khúc xạ không đều nhau. Vật nhìn không in hình rõ nét trên võng mạc và người bệnh nhìn mờ cả xa và gần. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T... Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận thị hay viễn thị. Điều chỉnh mắt loạn thị bằng cách đeo kính trụ.

Lệch khúc xạ là hiện tượng có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt có thể là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận loạn hoặc là viễn loạn.

Những trường hợp này cần được phát hiện sớm và đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để có phương hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra trẻ phải tuân thủ đầy đủ chế độ vệ sinh học đường như tư thế ngồi học, bàn ghế, bảng đen, ánh sáng phòng học, chế độ giải lao vui chơi và dinh dưỡng hợp lí để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn.

 

Đây là mẫu, bạn có thể sửa lại ảnh, màu nền, kích cỡ của bảng tùy theo nhu cầu.

Nhìn nhận đúng về lác mắt

Mắt có tật khúc xạ là mắt có thị lực kém và trẻ thường biểu hiện bằng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn, đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt...

Lác mắt là hiện tượng lệch trục nhãn cầu biểu hiện bằng độ lác khi quan sát thấy. Đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn gây ra nhược thị và rối loạn thị giác hai mắt đi kèm. Lác có thể là lác trong (khi nhãn cầu lệch vào trong), lác ngoài (khi nhãn cầu lệch ra ngoài) hay lác đứng (khi nhãn cầu lệch lên trên hoặc xuống dưới). Khi mắt bị lác, hai mắt sẽ nhìn theo hai hướng khác nhau và sẽ bị nhìn hai hình. Lúc đó não sẽ xoá bỏ hình ảnh của mắt lác ức chế không cho mắt này nhìn và gây ra nhược thị. Vì vậy, người bệnh sẽ mất khả năng nhìn bằng hai mắt đồng thời sẽ không có được thị giác hai mắt. Bất cứ trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên xuất hiện lác cần phải coi là nghiêm trọng và phải được đưa đi khám ngay.

Điều trị lác có 3 bước liên quan chặt chẽ với nhau là: điều trị nhược thị, điều trị thẳng trục nhãn cầu để hết lác và điều trị phục hồi thị giác hai mắt. Thời gian điều trị lác càng sớm càng tốt, điều trị sớm không những rút ngắn thời gian điều trị mà còn tăng cường hiệu quả điều trị và nâng cao cơ hội phục hồi thị giác hai mắt. Các phương pháp điều trị khác nhau như: đeo kính, bịt mắt tập chỉnh quang, điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật... Ngoài ra, trẻ sau khi điều trị khỏi lác vẫn cần phải theo dõi lâu dài và duy trì kết quả điều trị đã đạt được.

Nhược thị và khiếm thị

Nhược thị là hiện tượng mắt kém ở một hoặc hai bên do các nguyên nhân khác nhau như: lác mắt, do tật khúc xạ hay một số bệnh lí tại mắt. Tuy nhiên nhược thị có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm và điều trị đúng. Các phương pháp điều trị nhược thị có thể là đeo kính, bịt mắt lành, tập chỉnh quang hay phẫu thuật...

Khác với nhược thị, khiếm thị là một tình trạng khiếm khuyết về chức năng của cơ quan thị giác gây ra bởi các bệnh mắt bẩm sinh, di truyền hay mắc phải, do chấn thương mắt trong cuộc sống... mà không thể điều trị khỏi được bằng các phương pháp điều chỉnh khúc xạ, bằng thuốc hay bằng phẫu thuật. Phương pháp điều trị đối với trẻ bị khiếm thị là sử dụng các phương tiện trợ thị thích hợp để giúp cho trẻ có thể tận dụng một cách hữu ích nhất phần thị lực còn lại để có thể hoà nhập với cuộc sống cộng đồng.  

Trong lúc chờ đợi những phương pháp điều trị hiệu quả hơn, triệt để hơn thì việc quan tâm sát sao đến những bất thường thị giác của trẻ, có những hiểu biết nhất định để phối hợp tốt với các bác sĩ mắt khắc phục tật khúc xạ bằng kính thông thường thiết nghĩ vẫn là phương châm tốt cho tất cả mọi người.

 BS. Đỗ Quang Ngọc - BS. Hoàng Cương